General Manager là gì? Công việc của một General Manager

 Nếu bạn là nhân viên đi làm ở những công ty hay doanh nghiệp tư nhân chắc hẳn đã từng nghe qua chức danh General Manager đúng không? Thế nhưng General Manager là gì và họ có nhiệm vụ như thế nào trong công ty thì không phải ai cũng nắm rõ. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1.    General manager là gì?

General Manager (được viết tắt là GM) là tên tiếng anh của vị trí giám đốc điều hành trong công ty và cũng là một trong những quản lý cấp cao trong bộ máy điều hành công ty, doanh nghiệp. GM có thể trực tiếp đưa ra những chiến lược, hoạch định đồng thời quyết định thực hiện các kế hoạch để đảm bảo duy trì hoạt động thường ngày của công ty. Ngoài ra, giám đốc điều hành còn có nhiệm vụ quản lý doanh thu liên quan tới lãi – lỗ trong hầu hết mọi hoạt động của công ty.

Có khá nhiều người nhầm lẫn giữa General Manager và General Director dẫn đến sai sót không đáng có trong quá trình làm việc. Hai vị trí này khác nhau ở khá nhiều điểm nhưng cấp bậc và chức vụ chính là 2 đặc điểm dễ nhất để phân biệt họ. Theo đó, GM sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo và giám sát của GD, đồng thời quyền hạn và tính chất công việc cũng sẽ không cao bằng GD.

2. Công việc chính của General Manager là gì?

General manager ở những công ty khác nhau sẽ đảm nhiệm những công việc khác nhau tùy vào quy mô và cách hoạt động của họ. Tuy nhiên, về cơ bản thì nhiệm vụ của một GM sẽ gói gọn trong những hoạt động chính sau:

  • Giám sát và quản lý công việc của hầu hết các bộ phận trong công ty để đảm bảo quy trình làm việc được vận hành theo đúng mục tiêu và chiến lược đã đề ra.
  • Theo dõi và đánh giá năng lực cũng như hiệu suất làm việc từ các bộ phận nói chung cho đến từng cá nhân nói riêng trong công ty.
  • Phân tích, tổng hợp và đánh giá khách quan kết quả công việc đã làm được, từ đó đưa ra những phương án giải quyết nhằm điều chỉnh những mặt còn hạn chế, nâng cao chất lượng công việc.
  • Tiếp nhận và xử lý những tình huống phát sinh nghiêm trọng trong quá trình hoạt động của công ty, doanh nghiệp.
  • Báo cáo và kiểm soát các hoạt động liên quan tới tài chính đã được phê duyệt trong và ngoài doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi nhuận mang lại cho công ty.

Với những trọng trách cao cả nêu trên thì đương nhiên mức lương dành cho người đảm nhiệm vai trò này cũng hoàn toàn tương xứng. Hiện tại các công ty sẵn sàng chi trả từ 20 – 50 triệu đồng cho một GM có từ ít tới nhiều năm kinh nghiệm. Quả là một lời mời gọi vô cùng hấp dẫn.

3. Để trở thành một General Manager xuất chúng

Chức vụ đi đôi với trọng trách, chức vụ càng cao trọng trách càng nhiều, chính vì vậy mà để có thể vươn tới vị trí General Manager trong công ty, bạn chắc chắn phải hội tụ rất nhiều yếu tố quan trọng.

+ Năng lực lãnh đạo: Một GM giỏi không cần phải quá giỏi chuyên môn nhưng phải là người biết phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận sao cho phù hợp với năng lực của nhân viên mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

+ Kỹ năng “dụng nhân”: Đây là một kỹ năng mà chắc chắn chỉ có kiến thức xã hội, sự tinh tế cùng nhiều năm kinh nghiệm làm việc mới có thể có được. Người GM giỏi phải có khả năng “nhìn người chỉ việc”, họ phải biết quan sát, lắng nghe và đánh giá để biết được nhân viên mình giỏi chỗ nào, từ đó đưa ra phương hướng để họ tập trung phát huy ưu điểm đó, nâng cao năng suất làm việc của mỗi cá nhân cũng như tập thể.

+ Kỹ năng ra quyết định: GM không chỉ chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động của công ty mà còn là người đưa ra những quyết định quan trọng, có thể ảnh hưởng tới doanh thu hay danh tiếng của công ty, vì thế mỗi đường đi nước bước đều phải hết sức cẩn trọng. Chưa kể đến việc đôi khi có những vấn đề phát sinh đòi hỏi một người GM giỏi phải có khả năng phán đoán và đưa ra phương án tối ưu nhất, vì vậy nếu là một người không dứt khoát, hay chần chừ, sợ sệt thì không thể nào làm GM được.

+ Năng lực thuyết phục – đàm phán: Kỹ năng này các GM không chỉ phải áp dụng với khách hàng hay đối tác mà đôi khi họ còn phải sử dụng với cả cấp trên và nhân viên cấp dưới của mình nữa. Tại sao lại thế? Một người GM giỏi không thể làm việc một mình, họ cần tới sự đồng lòng dốc sức cho công việc của toàn tập thể cũng như cần nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ từ những người lãnh đạo bên trên, vì vậy nếu GM là người có khả năng thuyết phục tốt, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi người thì sẽ rất thuận lợi cho công việc của họ.

+ Trách nhiệm cao trong công việc: Không chỉ riêng GM mà bất kì cá nhân nào khi đi làm cũng phải đặt trách nhiệm với công việc chung lên hàng đầu. Đối với General Manager mà nói, họ phải tự ý thức được trách nhiệm của một General Manager là gì vì đôi khi hành động của họ có thể ảnh hưởng tới sự thành bại của tổ chức, cho nên họ phải luôn đặt trách nhiệm lên trên bản thân để không phạm phải sai lầm.

+ Năng động, sáng tạo trong công việc: Là người hoạch định và quản lý việc thực hiện những chiến lược quan trọng cho công ty nên sự sáng tạo là vô cùng quan trọng đối với một GM. Ngoài xã hội còn có rất nhiều người tài giỏi nên nếu một GM chỉ chăm chăm đi theo lối mòn, không chịu cải tiến để giúp công ty phát triển thì tương lai họ có thể sẽ tự đào thải chính mình.

General Manager là vị trí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công ty, doanh nghiệp. Chính vì thế mà con đường để đạt được tới vị trí ấy cũng không hề dễ dàng. Nếu bạn đang nuôi cho mình một mong muốn được đảm nhiệm công việc này, vậy thì hãy chuẩn bị cho bản thân một hành trang vững chãi ngay từ bây giờ. Chúc bạn thành công!