Thuyết trình chắc hẳn là cơn ác mộng với không ít người trong chúng ta từ thời còn là sinh viên cho tới khi đi làm. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có những người bước lên thuyết trình lại có thể hoàn toàn không ngần ngại trình bày quan điểm của mình hay truyền cảm hứng cho người nghe, trong khi bản thân chỉ nghĩ tới việc đứng trước mọi người thôi cũng đã tim đập chân run? Vậy thì hãy cũng bài viết dưới đây tìm hiểu những tuyệt chiêu khi thuyết trình là gì nhé.
1. Thuyết trình là gì?
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, thuyết trình là quá trình truyền đạt thông tin một cách có hệ thống và rõ ràng trước một tập thể hoặc cá nhân nào đó. Một bài thuyết trình thông thường sẽ có hai mục đích chính là trình bày quan điểm hay thông tin và thuyết phục người nghe. Một bài thuyết trình được đánh giá là thành công khi có đầy đủ 3 thành phần: người giao tiếp, thông điệp và phương tiện được sử dụng và cuối cùng là người tiếp nhận (người nghe).
2. Tầm quan trọng của thuyết trình
Rèn luyện sự tự tin trước đám đông
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe về việc thuyết trình sẽ giúp tăng thêm sự tự tin cho bản thân đúng không? Nghe thì có vẻ xa vời nhưng điều này là sự thực. Không ai giỏi ngay từ lần đầu thuyết trình, quan trọng là bạn có quyết tâm và mong muốn trở thành một người thuyết trình giỏi. Bạn có thể bắt đầu từ việc thuyết trình trước những người bạn, sau đó tới thuyết trình trong cuộc họp nhóm ở công ty rồi dần dần luyện tập cho mình sự tự tin, dám nghĩ, dám nói trước đám đông ở những môi trường lớn hơn. Một khi bạn đã quen rồi thì thuyết trình cũng dễ dàng như một trong vô vàn những công việc bạn phải làm hàng ngày thôi.
Nâng cao kỹ năng giao tiếp trong công việc
Không điều gì có thể giúp bạn đưa ra quan điểm chủ quan của bản thân tới người nghe dễ dàng hơn là việc thuyết trình. Nếu là giao tiếp nói chuyện bình thường, ý kiến của bạn có thể sẽ bị phản bác ngay lập tức nếu họ không đồng tình, nhưng khi thuyết trình, bạn có cơ hội được đưa ra những dẫn chứng, lập luận hay logic để bảo vệ quan điểm của mình một cách rõ ràng, vì thế mà thuyết trình sẽ giúp bạn dễ dàng giao tiếp hơn trong công việc khi cần thuyết phục hay thể hiện góc nhìn của bản thân với người tiếp nhận. Đặc biệt là khi những bên đối tác làm ăn trong kinh doanh thì buổi thuyết trình có thể coi là chìa khóa thành công cho sự hợp tác của họ.
Thể hiện năng lực bản thân tốt hơn
Nếu bạn đang cần sự thăng tiến trong công việc thì buổi thuyết trình sắp tới bạn đảm nhiệm sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đấy. Vì sao ư? Vì khi bạn thuyết trình về một vấn đề nào đó nghĩa là bạn sẽ hoàn toàn dồn hết chất xám và sức lực của mình để thể hiện quan điểm và tư duy của mình sao cho sắc bén nhất, chạm tới người nghe hiệu quả nhất. Vậy thì thông qua những yếu tố đó trong bài thuyết trình, cấp trên của bạn hoàn toàn có thể đánh giá được bạn có đang tiến bộ trong công việc hay không.
3. Kỹ năng thuyết trình hiệu quả
Lên nội dung thuyết trình
Nếu bạn muốn người nghe hiểu vấn đề bạn đang trình bày thì chính bạn cũng phải hiểu chủ đề bạn đang thuyết trình là gì, vì vậy sự chuẩn bị không bao giờ là thừa. Khi bạn chuẩn bị trước, bạn sẽ có thời gian để cân nhắc, chỉnh sửa nội dung sao cho phù hợp với mục đích thuyết trình nhất. Yếu tố quan trọng nhất cho phần nội dung của bài thuyết trình đó chính là kết cấu, sự logic và chặt chẽ giữa các luận điểm, luận chứng.
Đơn giản và ngắn gọn
Trong những buổi thuyết trình, bạn sẽ không có quá nhiều thời gian để giải thích cặn kẽ mọi vấn đề. Hãy cố gắng chọn lọc từ ngữ, dù là trên slide hay khi bạn nói, một cách ngắn gọn nhất có thể. Sau khi lên nội dung hoàn chỉnh cho bài thuyết trình, hãy xem xét lại một lượt xem có phần nào không cần thiết không, nếu phần đó không liên quan tới chủ đề chính thì bạn nên bỏ bớt dù đó có là phần bạn hứng thú nhất đi chăng nữa, hãy biến những phần còn lại trở nên thú vị không kém mà vẫn đi vào trọng tâm.
Thêm vào đó, vấn đề càng phức tạp, hãy trình bày càng đơn giản. Nhân sinh quan và tư duy mỗi người về những sự việc cụ thể có thể không giống nhau hoàn toàn, vì vậy hay khéo léo bảo vệ và thuyết phục người nghe đồng ý với luận điểm của bạn bằng những ví dụ dễ hiểu.
Nhấn mạnh luận điểm
Để người nghe có thể ghi nhớ những thông tin quan trọng trong thời gian ngắn không hề dễ dàng. Hãy tìm cách khiến họ chú ý hoặc ấn tượng với những luận điểm chính trong bài thuyết trình bằng cách lặp lại vào mỗi giai đoạn một cách tinh tế, sử dụng hình ảnh minh họa hay đưa ví dụ thực tế vào để nhấn mạnh.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Một trong những yếu tố tạo nên một buổi thuyết trình thành công đó chính là phong thái của người thuyết trình. Thái độ điềm đạm, giọng nói rõ ràng và nụ cười tự tin chắc chắn sẽ là một sự khởi đầu tốt. Ngoài ra, trong khi trình bày, hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể của bạn một cách vừa phải nhằm tạo sự sinh động và tránh để người nghe mất tập trung, buồn ngủ.
Hãy nhắc đến thính giả trong khi thuyết trình
Khi nói lên quan điểm của mình, thay vì dùng từ “Tôi thấy”, “Tôi nghĩ rằng”, “Theo tôi” Hãy sử dụng “Chúng ta đều thấy rằng”, hãy nhắc tới người nghe và đưa họ vào chủ đề của bạn để người nghe cảm thấy họ trở nên quan trọng. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu trước về đối tượng thính giả sẽ giúp bạn chuẩn bị được tinh thần vì bạn có thể biết được cần đánh vào nhu cầu nào của họ hay cần tránh nói về đề tài nào khi thuyết trình.
Trực quan hóa bài thuyết trình
Đã bao giờ bạn ngồi ngáp lên ngáp xuống khi nghe thuyết trình mà các slide từ đầu tới cuối chỉ có đúng một phông nền in logo công ty và những con chữ đen chi chít trên màn chiếu chưa? Nếu có thì người nghe bạn thuyết trình cũng vậy. Đừng để họ chán nản khi xem bạn trình bày, hãy trau dồi kĩ năng thiết kế slide sao cho sinh động, thu hút. Bạn hoàn toàn có thể thêm hình ảnh hay biểu đồ để minh chứng cho số liệu bạn đưa ra, vừa đẹp lại vừa hiệu quả.
Thực hành thuyết trình
Trong quá trình bạn luyện tập, bạn sẽ phát hiện ra những sai sót trong bài thuyết trình của mình, từ đó kịp thời chỉnh sửa sao cho hoàn hảo nhất. Thêm vào đó, bạn càng luyện tập nhuần nhuyễn, bạn càng hiểu bài thuyết trình của mình bao nhiêu thì bạn càng tự tin và dễ thuyết phục người nghe bấy nhiêu.
Học hỏi, lắng nghe đánh giá và rút kinh nghiệm
Sau mỗi lần thuyết trình, hãy lắng nghe đánh giá, đóng góp từ phía người nghe một cách thật lòng để từ đó bạn có thể rút kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Bạn càng rút kinh nghiệm nhiều, càng lắng nghe nhiều thì bạn càng tích lũy cho mình được nhiều kiến thức và kỹ năng từ những người đi trước. Điều này chắc chắn sẽ giúp bạn phát triển bản thân nhanh hơn rất nhiều.
Hy vọng từ bài viết trên bạn đã nắm được những kỹ năng cần thiết khi thuyết trình là gì cũng như giúp bạn tăng thêm sự tự tin trong những lần thuyết trình sắp tới. Chúc bạn thành công!