General Manager là gì? Công việc của một General Manager

 Nếu bạn là nhân viên đi làm ở những công ty hay doanh nghiệp tư nhân chắc hẳn đã từng nghe qua chức danh General Manager đúng không? Thế nhưng General Manager là gì và họ có nhiệm vụ như thế nào trong công ty thì không phải ai cũng nắm rõ. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1.    General manager là gì?

General Manager (được viết tắt là GM) là tên tiếng anh của vị trí giám đốc điều hành trong công ty và cũng là một trong những quản lý cấp cao trong bộ máy điều hành công ty, doanh nghiệp. GM có thể trực tiếp đưa ra những chiến lược, hoạch định đồng thời quyết định thực hiện các kế hoạch để đảm bảo duy trì hoạt động thường ngày của công ty. Ngoài ra, giám đốc điều hành còn có nhiệm vụ quản lý doanh thu liên quan tới lãi – lỗ trong hầu hết mọi hoạt động của công ty.

Có khá nhiều người nhầm lẫn giữa General Manager và General Director dẫn đến sai sót không đáng có trong quá trình làm việc. Hai vị trí này khác nhau ở khá nhiều điểm nhưng cấp bậc và chức vụ chính là 2 đặc điểm dễ nhất để phân biệt họ. Theo đó, GM sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo và giám sát của GD, đồng thời quyền hạn và tính chất công việc cũng sẽ không cao bằng GD.

2. Công việc chính của General Manager là gì?

General manager ở những công ty khác nhau sẽ đảm nhiệm những công việc khác nhau tùy vào quy mô và cách hoạt động của họ. Tuy nhiên, về cơ bản thì nhiệm vụ của một GM sẽ gói gọn trong những hoạt động chính sau:

  • Giám sát và quản lý công việc của hầu hết các bộ phận trong công ty để đảm bảo quy trình làm việc được vận hành theo đúng mục tiêu và chiến lược đã đề ra.
  • Theo dõi và đánh giá năng lực cũng như hiệu suất làm việc từ các bộ phận nói chung cho đến từng cá nhân nói riêng trong công ty.
  • Phân tích, tổng hợp và đánh giá khách quan kết quả công việc đã làm được, từ đó đưa ra những phương án giải quyết nhằm điều chỉnh những mặt còn hạn chế, nâng cao chất lượng công việc.
  • Tiếp nhận và xử lý những tình huống phát sinh nghiêm trọng trong quá trình hoạt động của công ty, doanh nghiệp.
  • Báo cáo và kiểm soát các hoạt động liên quan tới tài chính đã được phê duyệt trong và ngoài doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi nhuận mang lại cho công ty.

Với những trọng trách cao cả nêu trên thì đương nhiên mức lương dành cho người đảm nhiệm vai trò này cũng hoàn toàn tương xứng. Hiện tại các công ty sẵn sàng chi trả từ 20 – 50 triệu đồng cho một GM có từ ít tới nhiều năm kinh nghiệm. Quả là một lời mời gọi vô cùng hấp dẫn.

3. Để trở thành một General Manager xuất chúng

Chức vụ đi đôi với trọng trách, chức vụ càng cao trọng trách càng nhiều, chính vì vậy mà để có thể vươn tới vị trí General Manager trong công ty, bạn chắc chắn phải hội tụ rất nhiều yếu tố quan trọng.

+ Năng lực lãnh đạo: Một GM giỏi không cần phải quá giỏi chuyên môn nhưng phải là người biết phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận sao cho phù hợp với năng lực của nhân viên mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

+ Kỹ năng “dụng nhân”: Đây là một kỹ năng mà chắc chắn chỉ có kiến thức xã hội, sự tinh tế cùng nhiều năm kinh nghiệm làm việc mới có thể có được. Người GM giỏi phải có khả năng “nhìn người chỉ việc”, họ phải biết quan sát, lắng nghe và đánh giá để biết được nhân viên mình giỏi chỗ nào, từ đó đưa ra phương hướng để họ tập trung phát huy ưu điểm đó, nâng cao năng suất làm việc của mỗi cá nhân cũng như tập thể.

+ Kỹ năng ra quyết định: GM không chỉ chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động của công ty mà còn là người đưa ra những quyết định quan trọng, có thể ảnh hưởng tới doanh thu hay danh tiếng của công ty, vì thế mỗi đường đi nước bước đều phải hết sức cẩn trọng. Chưa kể đến việc đôi khi có những vấn đề phát sinh đòi hỏi một người GM giỏi phải có khả năng phán đoán và đưa ra phương án tối ưu nhất, vì vậy nếu là một người không dứt khoát, hay chần chừ, sợ sệt thì không thể nào làm GM được.

+ Năng lực thuyết phục – đàm phán: Kỹ năng này các GM không chỉ phải áp dụng với khách hàng hay đối tác mà đôi khi họ còn phải sử dụng với cả cấp trên và nhân viên cấp dưới của mình nữa. Tại sao lại thế? Một người GM giỏi không thể làm việc một mình, họ cần tới sự đồng lòng dốc sức cho công việc của toàn tập thể cũng như cần nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ từ những người lãnh đạo bên trên, vì vậy nếu GM là người có khả năng thuyết phục tốt, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi người thì sẽ rất thuận lợi cho công việc của họ.

+ Trách nhiệm cao trong công việc: Không chỉ riêng GM mà bất kì cá nhân nào khi đi làm cũng phải đặt trách nhiệm với công việc chung lên hàng đầu. Đối với General Manager mà nói, họ phải tự ý thức được trách nhiệm của một General Manager là gì vì đôi khi hành động của họ có thể ảnh hưởng tới sự thành bại của tổ chức, cho nên họ phải luôn đặt trách nhiệm lên trên bản thân để không phạm phải sai lầm.

+ Năng động, sáng tạo trong công việc: Là người hoạch định và quản lý việc thực hiện những chiến lược quan trọng cho công ty nên sự sáng tạo là vô cùng quan trọng đối với một GM. Ngoài xã hội còn có rất nhiều người tài giỏi nên nếu một GM chỉ chăm chăm đi theo lối mòn, không chịu cải tiến để giúp công ty phát triển thì tương lai họ có thể sẽ tự đào thải chính mình.

General Manager là vị trí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công ty, doanh nghiệp. Chính vì thế mà con đường để đạt được tới vị trí ấy cũng không hề dễ dàng. Nếu bạn đang nuôi cho mình một mong muốn được đảm nhiệm công việc này, vậy thì hãy chuẩn bị cho bản thân một hành trang vững chãi ngay từ bây giờ. Chúc bạn thành công!

Thị trường mục tiêu là gì? Làm thế nào để xác định thị trường mục tiêu

“Sự sống còn” của sản phẩm sẽ được quyết định ngay từ bước xác định thị trường mục tiêu. Các doanh nghiệp lớn luôn thành công vì xác định đúng thị trường mục tiêu của sản phẩm/dịch vụ. Những doanh nghiệp thất bại thì luôn bỏ qua bước này vì họ nghĩ là không quan trọng và rất tốn kém. Vậy thị trường mục tiêu là gì? Các bước để xác định đúng thị trường mục tiêu đúng như thế nào? Đừng bỏ lỡ bài viết này nhé!

Thị trường mục tiêu là gì?

Trước khi cho ra mắt một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó, doanh nghiệp phải hướng đến một đối tượng khách hàng nhất định mà họ chắc chắn sẽ mua và sử dụng. Nhóm đối tượng khách hàng này được gọi là thị trường mục tiêu của doanh nghiệp.

Thị trường mục tiêu được hiểu là một phân khúc thị trường mà doanh nghiệp muốn bán sản phẩm hay dịch vụ của mình. Phân khúc thị trường này bao gồm những khách hàng tiềm năng của công ty. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ để thu hút và thỏa mãn nhóm khách hàng tiềm năng của mình.

Các bước để xác định thị trường mục tiêu

Lập danh sách nhân khẩu học của khách hàng

Bước đầu tiên trong xác định thị trường mục tiêu là bạn phải có một danh sách rõ ràng về thông tin khách hàng mà mình muốn hướng đến, càng chi tiết càng tốt. Trong danh sách này, bạn nên nêu rõ nhân khẩu học của khách hàng bao gồm: nơi ở, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, sở thích, có sử dụng mạng xã hội thường xuyên không… Nếu bạn muốn hướng đến những người còn độc thân thì bạn nên xác định rõ tình trạng hôn nhân của họ.

Tập trung vào phân khúc thị trường chính

Bước tiếp theo, từ nhóm danh sách bao quát ở trên, bạn cần xác định được nhóm khách hàng mà mình muốn hướng đến trong độ tuổi bao nhiêu, nghề nghiệp gì, thu nhập hàng tháng bao nhiêu… Hãy gạt bỏ những khách hàng không tiềm năng ra khỏi danh sách đã liệt kê bên trên. Bạn nên lưu ý, sẽ không có bất kỳ sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu của mọi khách hàng, tốt nhất bạn cần phân khúc cho mình một nhóm đối tượng nhất định. Vì thế, việc thu hẹp lại thị trường sẽ giúp bạn tiếp cận được khách hàng tiềm năng và dễ bán sản phẩm hơn là bao quát toàn bộ thị trường.

Hiểu nhu cầu khách hàng

Sau khi đã tìm được phân khúc khách hàng tiềm năng, bạn cần nghiên cứu hoặc hỏi khách hàng thông qua những bảng câu hỏi, chẳng hạn: “Động cơ mua hàng của bạn là gì? Sản phẩm có cần thiết với bạn trong cuộc sống? Bạn mua hàng vì sở thích hay vì điều gì?”… Những câu trả lời đó sẽ giúp bạn biết được sản phẩm có thật sự cần thiết và  khách hàng có sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm đó hay không.

Tổng hợp thông tin về sản phẩm và công ty

Sau khi đã hiểu được nhu cầu của khách hàng, công ty cần xác định nguồn lực của mình về tài chính, nguồn nhân lực, vật lực… Xem xét sản phẩm hay dịch vụ đó có phát triển lâu dài được hay không, cốt lõi của sản phẩm là gì, sản phẩm có cần thiết cho cuộc sống của khách hàng hay không… Bên cạnh đó, công ty cần lên kế hoạch cho lộ trình sản phẩm, từ lúc tung ra thị trường, đến giai đoạn tăng trưởng, bão hòa và cuối cùng là suy thoái. Có hoạch định, công ty sẽ xây dựng cho mình một chiến lược marketing hiệu quả.

Thăm dò thị trường

Khi bạn đã có một sản phẩm hoàn chỉnh cùng với một nhóm đối tượng khách hàng nhất định mà mình muốn hướng đến. Tiếp theo là phải thăm dò khách hàng bằng việc sử dụng thử sản phẩm, hội thảo… Những cách thăm dò này giúp bạn biết được sản phẩm đã phù hợp hay chưa hoặc cần cải thiện những gì trước khi tung ra sản phẩm/dịch vụ chính thức trên thị trường.

Trong một thị trường rộng lớn và có rất nhiều loại khách hàng như hiện nay, việc xác định thị trường mục tiêu là rất cần thiết. Đừng bao giờ bỏ qua bước này khi bạn muốn tung ra thị trường một sản phẩm mới cũng như muốn khách hàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm của bạn. Nên nhớ đừng bao quát toàn bộ thị trường, việc xác định được đúng và cụ thể khách hàng tiềm năng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Cách bắt chuyện với người lạ như thế nào cho tự nhiên nhất

Hầu hết, tất cả mọi người đều cảm thấy thật khó khăn khi phải làm thân với một ai đó mà chúng ta không thân thiết. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại việc phải giao tiếp với những người lạ đã trở thành một trong những yếu tố cần thiết trong công việc. Chính vì thế, mọi người dường như phải học cách bắt chuyện với người lạ là một điều tất yếu.

Một số người có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ rất dễ kết thân với những người xa lạ, thế nhưng không phải bất kỳ ai cũng có được những sự tự tin nhất định để giao tiếp với những người mới quen. Đối với những người rụt rè, nhút nhác thì việc phải chủ động bắt chuyện và kết thân với ai đó là điều không hề dễ dàng đối với họ, đôi khi điều đó còn là trở ngại lớn trong vấn đề phát triển bản thân của họ. Do đó, để khắc phục được yếu điểm này các bạn phải học những cách bắt chuyện với người lạ như thế nào là khéo léo và tinh tế nhất.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một số cách bắt chuyện với những người bạn chưa từng quen biết, khiến họ trở nên hứng thú và cởi mở hơn trong giao tiếp với bạn rất nhiều.

1. Đừng mở đầu theo kiểu nhàm chán

Phần lớn, chúng ta hay mắc phải một trong những lỗi sai rất quen thuộc khi giao tiếp với người lạ lần đầu tiên đó chính là mở đầu câu chuyện theo những cách quen thuộc. Ví dụ như: Xin chào, bạn tên của bạn là gì? Bạn đến từ đâu? Bạn đang theo học chuyên ngành gì? Mình có thể làm bạn với bạn được không?

Những câu hỏi mang tính chất mở đầu câu chuyện nhưng thực tế lại khiến đối phương cảm thấy bạn là một người vô cùng nhàm chán và khi bạn và người đối diện đã trả lời những câu hỏi theo phổ biến như thế sẽ dẫn đến tình trạng cả hai không biết nên làm gì để câu chuyện tiếp diễn. Nếu như bạn đã và đang giao tiếp với những người lạ theo cách đó, chúng tôi nghĩ rằng bạn nên thay đổi cách mở đầu này để tạo ra không khí thoải mái và sự thú vị cho cả bạn và người đối diện.

Chẳng hạn, bạn có thể mở đầu hài hước như thế này: “Dạo này có nhiều người bảo rằng tớ trông rất giống một người nổi tiếng xuất hiện trên truyền hình, cậu có nghĩ vậy không? Hoặc là: “Mình nghĩ mình đã từng gặp bạn ở đâu đó, có phải chúng ta đã từng tham gia một câu lạc bộ ở trường cấp 3 không nhỉ?”….Những câu hỏi như thế này rất dễ triển khai ý để tiếp diễn câu chuyện, chính vì thế bạn hãy tinh tế lựa chọn thời điểm thích hợp để thử xem sao nhé!

2. Luôn gợi mở về những điểm chung

Dường như, bất kỳ ai cũng sẽ thấy thích thú khi được nói chuyện với một người mà họ nghĩ rằng đối phương có một vài điểm chung giống mình. Vì vậy, bí quyết để cho một cuộc trò chuyện giữa hai người xa lạ trở nên thân thiết với nhau hơn đó chính là hãy nói về những điểm chung mà cả hai có. Ví dụ như người bạn kia thích chơi bóng rổ, bạn hãy nói cho họ biết rằng, thật may bạn là một fan bóng rổ nhiều năm mặc dù không chơi nhưng bạn thường xuyên đến các sân bóng để cổ vũ đội bóng của trường. Nếu tinh ý bạn có thể khéo léo tìm ra những điểm chung nho nhỏ để câu chuyện trở nên thú vị hơn và nhất là tạo cảm giác đồng điệu cảm xúc với đối phương càng tốt.

3. Đừng trả lời một cách quá chừng mực

Chúng ta hay thường được giáo dục về cách giao tiếp với mọi người xung quanh là phải luôn biết chừng mực và giữ phép lịch sự tối thiểu với người lạ. Tuy nhiên, trong một môi trường công việc học tập đòi hỏi sự tương tác cao, bạn cũng đừng nên giữ chừng mực quá mức cho phép. Cụ thể như, một số bạn trong giao tiếp với người lạ khi được hỏi về vấn đề gì đó, bạn ấy chỉ gật đầu, trả lời có hoặc không sẽ tạo cảm giác rất khó chịu với những người xung quanh và khiến mọi người không muốn giao tiếp nhiều hơn với bạn. Chính vì vậy, hãy tự tin thoải mái nhất trò chuyện với họ nhưng hãy biết giữ chừng mực một cách tối thiểu bạn nhé!

4. Đừng hỏi chuyện riêng tư

Không một ai thích người khác hỏi những chuyện riêng tư của mình, đó là một trong những nguyên tắc quan trọng để bạn có thể duy trì cuộc nói chuyện với những lạ lần đầu tiên. Chính vì vậy, nếu bạn muốn xây dựng một mối quan hệ lâu dài với những người bạn này, bạn phải tôn trọng những chuyện riêng tư cá nhân của họ. Điều đó sẽ giúp bạn nhận được những đánh giá tích cực của người xung quanh và tạo thiện cảm tốt nhất khi giao tiếp.

Mong rằng, những chia sẻ vừa rồi của chúng tôi đã cho bạn những cách giao tiếp với người lạ một cách thông minh và tinh tế nhất để giúp bạn thành công trong công việc và cuộc sống một cách nhanh chóng nhất.

Nghệ thuật giao tiếp ứng xử tạo thiện cảm với người đối diện

Giao tiếp ứng xử là cả một nghệ thuật mà bạn cần trau dồi mỗi ngày. Tạo được thiện cảm với người đối diện sẽ giúp bạn thành công hơn trong cuộc sống của mình.

Giao tiếp ứng xử là một trong những kỹ năng thiết yếu của mỗi người. Thế nhưng, không phải ai cũng có được cách giao tiếp ứng xử phù hợp và tạo được thiện cảm với người đối diện. Đó là cả một nghệ thuật mà bạn cần phải học hỏi, rèn luyện hàng ngày. Dưới đây là một số bí quyết nhằm giúp bạn có được nghệ thuật giao tiếp ứng xử tạo thiện cảm với người đối diện. Cùng tham khảo nhé.

  • Tuân thủ các nguyên tắc giao tiếp cơ bản

Đây là những nguyên tắc bất thành văn trong giao tiếp mà bạn nên nắm vững, áp dụng trong quá trình giao tiếp của mình. Việc áp dụng chúng sẽ giúp bạn có được kỹ năng giao tiếp tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Đầu tiên, bạn cần học cách xưng hô đúng theo vai vế, tuổi tác và chức vụ. Với những người lớn tuổi, cấp trên, bạn cần xưng hô lễ phép, không nói chuyện trống không, nhát gừng. Nếu ngang hàng, bạn có thể xưng tên nhằm thể hiện thái độ lịch sự của mình.

Tiếp theo, bạn nên nói chuyện một cách dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp của mình. Cách nói chuyện với đối tác chắc chắn phải khác với cách nói chuyện với một bác nông dân.

Không sử dụng các lối nói chuyện mỉa mai, nói xóc xỉa. Cũng như không nhận xét, đánh giá một cách thái quá hoặc đề cập những vấn đề của người thứ ba, người không có mặt trong câu chuyện của mình.

Cuối cùng, bạn không nên lạm dụng quá nhiều từ địa phương, tiếng lóng, xen ngoại ngữ vào câu nói,…

  • Giao tiếp với thái độ chân thành, tự nhiên

Mặc dù thể hiện thái độ tươi vui với mọi người sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm tốt trong mắt họ. Thế nhưng, bạn nên thể hiện nó với thái độ chân thành, tự nhiên của mình, tránh giả tạo, gượng ép sẽ là nguyên nhân khiến mọi người càng xa cách bạn.

  •  Không đột ngột dừng câu chuyện hoặc ngắt lời người khác

Bạn đang kể một câu chuyện nào đó rồi đột ngột dừng lại nhằm ra vẻ bí hiểm, tạo thêm sự hấp dẫn. Mặc dù cách này sẽ khiến người nghe tò mò, nhưng nếu bạn quá lạm dụng sẽ gây nên sự khó chịu cho người nghe.

Cũng tương tự, nếu người khác đang kể chuyện, bạn cũng không nên chen ngang lời vào. Đây là cách ứng xử cơ bản mà bạn cần biết. Nếu không, bạn sẽ bị đánh giá là người thiếu lịch sự, cũng như khiến họ e ngại mà không muốn nói chuyện với bạn lần sau.

  • Không nói chuyện thao thao bất tuyệt mà không để ý người nghe

Bạn cần có sự quan sát xem người khác có thực sự chú ý vào câu chuyện của mình hay không. Nếu cảm thấy đó là điều mà họ không muốn nghe, hãy đổi sang chủ đề mà tất cả mọi người đều có hứng thú hoặc dừng ngay câu chuyện đó lại.

  • Giữ chừng mực trong khi giao tiếp

Nghệ thuật giao tiếp ứng xử đòi hỏi bạn cần biết cách giữ chừng mực trong khi giao tiếp. Nếu đối tượng là người mới quen, bạn không nên thể hiện quá thân thiết với những động tác như khoát tay, ôm eo,… bởi vì có thể khiến họ cảm thấy sợ hãi, không vui. Còn nếu đối tượng là người già, bạn có thể nói chuyện với cự ly gần hơn, để giúp họ có thể nghe rõ câu chuyện.

Nếu bạn đang nói chuyện với một nhóm người, bạn không nên nói chuyện riêng, nói nhỏ với một cá nhân nào đó. Đây là hành động thiếu tế nhị mà bạn cần tránh.

Bạn cũng không nên chia sẻ chuyện riêng tư của mình hay của người nào khác mà bạn biết với mọi người nhé.

  • Hãy khen ngợi một cách phù hợp

Lời khen được nói ra đúng lúc sẽ khiến người khác cảm thấy vui vẻ, tự hào. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng lời khen thái quá. Trong một số trường hợp, lời khen ngợi của bạn có thể khiến người khác cảm thấy bạn giả tạo hay đang có ý mỉa mai họ.

  • Sử dụng ánh mắt trong giao tiếp

Ánh mắt cũng là phương tiện giao tiếp mà bạn nên sử dụng. Trong khi nói chuyện, việc nhìn vào mắt đối phương sẽ tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và chân thật hơn. Tuy nhiên, bạn không nên chìm chằm chằm mà thỉnh thoảng hướng mắt ánh sáng những hướng khác nhau để tạo cảm giác thoải mái cho đối phương. Bạn cũng không nên đảo mắt liên tục sẽ bị người khác đánh giá là người lươn lẹo, có ý đồ gì xấu.

Nghệ thuật giao tiếp ứng xử là cả một quá trình học hỏi, tích lũy của bạn. Mặc dù với chia sẻ trên đây không quá đầy đủ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong giúp bạn có được những điều cơ bản trong cách giao tiếp ứng xử của mình. Từ đó tạo được thiện cảm với người đối diện và thành công trong cuộc sống.