“Sự sống còn” của sản phẩm sẽ được quyết định ngay từ bước xác định thị trường mục tiêu. Các doanh nghiệp lớn luôn thành công vì xác định đúng thị trường mục tiêu của sản phẩm/dịch vụ. Những doanh nghiệp thất bại thì luôn bỏ qua bước này vì họ nghĩ là không quan trọng và rất tốn kém. Vậy thị trường mục tiêu là gì? Các bước để xác định đúng thị trường mục tiêu đúng như thế nào? Đừng bỏ lỡ bài viết này nhé!
Thị trường mục tiêu là gì?
Trước khi cho ra mắt một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó, doanh nghiệp phải hướng đến một đối tượng khách hàng nhất định mà họ chắc chắn sẽ mua và sử dụng. Nhóm đối tượng khách hàng này được gọi là thị trường mục tiêu của doanh nghiệp.
Thị trường mục tiêu được hiểu là một phân khúc thị trường mà doanh nghiệp muốn bán sản phẩm hay dịch vụ của mình. Phân khúc thị trường này bao gồm những khách hàng tiềm năng của công ty. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ để thu hút và thỏa mãn nhóm khách hàng tiềm năng của mình.
Các bước để xác định thị trường mục tiêu
Lập danh sách nhân khẩu học của khách hàng
Bước đầu tiên trong xác định thị trường mục tiêu là bạn phải có một danh sách rõ ràng về thông tin khách hàng mà mình muốn hướng đến, càng chi tiết càng tốt. Trong danh sách này, bạn nên nêu rõ nhân khẩu học của khách hàng bao gồm: nơi ở, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, sở thích, có sử dụng mạng xã hội thường xuyên không… Nếu bạn muốn hướng đến những người còn độc thân thì bạn nên xác định rõ tình trạng hôn nhân của họ.
Tập trung vào phân khúc thị trường chính
Bước tiếp theo, từ nhóm danh sách bao quát ở trên, bạn cần xác định được nhóm khách hàng mà mình muốn hướng đến trong độ tuổi bao nhiêu, nghề nghiệp gì, thu nhập hàng tháng bao nhiêu… Hãy gạt bỏ những khách hàng không tiềm năng ra khỏi danh sách đã liệt kê bên trên. Bạn nên lưu ý, sẽ không có bất kỳ sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu của mọi khách hàng, tốt nhất bạn cần phân khúc cho mình một nhóm đối tượng nhất định. Vì thế, việc thu hẹp lại thị trường sẽ giúp bạn tiếp cận được khách hàng tiềm năng và dễ bán sản phẩm hơn là bao quát toàn bộ thị trường.
Hiểu nhu cầu khách hàng
Sau khi đã tìm được phân khúc khách hàng tiềm năng, bạn cần nghiên cứu hoặc hỏi khách hàng thông qua những bảng câu hỏi, chẳng hạn: “Động cơ mua hàng của bạn là gì? Sản phẩm có cần thiết với bạn trong cuộc sống? Bạn mua hàng vì sở thích hay vì điều gì?”… Những câu trả lời đó sẽ giúp bạn biết được sản phẩm có thật sự cần thiết và khách hàng có sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm đó hay không.
Tổng hợp thông tin về sản phẩm và công ty
Sau khi đã hiểu được nhu cầu của khách hàng, công ty cần xác định nguồn lực của mình về tài chính, nguồn nhân lực, vật lực… Xem xét sản phẩm hay dịch vụ đó có phát triển lâu dài được hay không, cốt lõi của sản phẩm là gì, sản phẩm có cần thiết cho cuộc sống của khách hàng hay không… Bên cạnh đó, công ty cần lên kế hoạch cho lộ trình sản phẩm, từ lúc tung ra thị trường, đến giai đoạn tăng trưởng, bão hòa và cuối cùng là suy thoái. Có hoạch định, công ty sẽ xây dựng cho mình một chiến lược marketing hiệu quả.
Thăm dò thị trường
Khi bạn đã có một sản phẩm hoàn chỉnh cùng với một nhóm đối tượng khách hàng nhất định mà mình muốn hướng đến. Tiếp theo là phải thăm dò khách hàng bằng việc sử dụng thử sản phẩm, hội thảo… Những cách thăm dò này giúp bạn biết được sản phẩm đã phù hợp hay chưa hoặc cần cải thiện những gì trước khi tung ra sản phẩm/dịch vụ chính thức trên thị trường.
Trong một thị trường rộng lớn và có rất nhiều loại khách hàng như hiện nay, việc xác định thị trường mục tiêu là rất cần thiết. Đừng bao giờ bỏ qua bước này khi bạn muốn tung ra thị trường một sản phẩm mới cũng như muốn khách hàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm của bạn. Nên nhớ đừng bao quát toàn bộ thị trường, việc xác định được đúng và cụ thể khách hàng tiềm năng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.