Có thể nói rằng, lời mở đầu của một bài thuyết trình rất quan trọng, nó quyết định bạn có thể dẫn dắt khán giả cuốn theo câu chuyện của mình hay không, người nghe có muốn tiếp tục nghe bạn trình bày hay không? Vậy làm thế nào để mở đầu bài thuyết trình thật sự hoàn hảo và cuốn hút người nghe?
Mở đầu bằng những câu hỏi
Trên thực tế, có rất nhiều những nhà diễn giả tài ba mở đầu bài thuyết trình của mình bằng cách đặt những câu hỏi. Bởi vì sao? Vì những câu hỏi sẽ kích thích sự tò mò muốn khám phá của người nghe. Sự tò mò sẽ kích thích trí tưởng tượng, họ sẽ có được rất nhiều câu trả lời trong đầu và muốn biết đáp án nào là chính xác nhất. Chính vì thế, những câu hỏi mở đầu sẽ rất lôi cuốn người nghe chú tâm vào buổi thuyết trình của bạn.
Những câu hỏi mở đầu không nhất thiết phải quá hóc búa hay khó giải đối với người nghe, bạn chỉ cần đặt những câu hỏi liên quan đến chủ đề của buổi thuyết trình mà bạn muốn nhắc đến ngày hôm nay.
Bắt đầu với một câu chuyện hài hước
Một câu chuyện vui hay một tình huống hài hước là điều mà mọi người rất thích nghe, bất kể là ở trong độ tuổi nào, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Vì thế, để “lấy lòng” khán giả, nhiều diễn giả đã không ngần ngại diễn hài, tấu hài ngay tại buổi trò chuyện. Đây được xem là một cách ấn tượng để tạo thiện cảm với người nghe từ những giây phút đầu tiên của buổi thuyết trình.
Tuy nhiên, đây cũng được xem là “con dao hai lưỡi” cho sự mở màn bài nói của bạn. Nếu bạn không có năng khiếu gây cười, tốt nhất đừng cố gắng kể những câu chuyện hài hước cho khán giả mà hãy chọn những cách mở đầu khác phù hợp hơn.
Mở đầu với những con số thống kê
Dùng những số liệu thống kê là một cách thật sự hiệu quả để dẫn dắt người nghe vào bài thuyết trình của bạn. Sử dụng những số liệu để mở đầu sẽ là cách giúp bạn lấy được lòng tin của người nghe. Qua đó, khán giả sẽ dễ bị thuyết phục hơn qua những câu chuyện mà bạn sắp nói.
Ví dụ: “Vào ngày 27/10/2016, Quỹ thiên nhiên hoang dã quốc tế (WWF) đã công bố hơn 67% động vật hoang dã sẽ biến mất trên trái đất vào năm 2020”, đây là một thông tin có thể gợi mở cho người nghe biết được chủ đề của ngày hôm nay là gì. Với những dẫn chứng số liệu này, khán giả sẽ tin tưởng nhiều hơn vào những điều mà người diễn giả đang nói đến.
Mở đầu bằng một tiết mục văn nghệ
Một bài hát ngắn hoặc một vài câu thơ cũng là cách giúp buổi thuyết trình của bạn hiệu quả hơn. Đây là hình thức giúp buổi nói chuyện trở nên sôi nổi. Nếu những câu thơ và bài hát của bạn “chiếm lĩnh” được trái tim người nghe, thì họ sẽ dễ dàng tiếp thu những gì mà diễn giả nói. Hơn thế nữa, một bài hát có thể giúp người thuyết trình bớt đi những căng thẳng, giúp bạn tự tin hơn thể hiện tốt những gì mình muốn nói trong ngày hôm nay.
Ví dụ: nếu bạn muốn trình bày về một loại nhạc cụ, chẳng hạn đàn guitar. Bạn có thể mở màn bằng một đoạn nhạc guitar kết hợp với hát ngay tại sân khấu. Điều này sẽ tạo được ấn tượng và thiện cảm đối với người nghe.
Nêu cảm nhận của bản thân
Một cách cuối cùng mà bạn không thể bỏ qua khi mở đầu buổi thuyết trình là nêu lên những cảm nhận riêng của bản thân. Cách này sẽ giúp bạn nhận được sự đồng cảm và khán giả sẽ quan tâm đến những gì mà bạn nói. Hơn thế nữa, những cảm xúc chân thành từ trái tim sẽ giúp bạn “chinh phục” được khán giả của mình. Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn rằng đó là những cảm xúc thật, không được đóng kịch để lừa gạt người nghe.
Nên lưu ý rằng không được để cảm xúc dẫn dắt quá nhiều vào bài nói của mình, hạn chế thể hiện những cảm xúc bi quan và tiêu cực. Hãy luôn bày tỏ những cảm xúc tích cực đến với mọi người, khán giả sẽ đón nhận lời nói của bạn một cách chân thành.
Một lời mở đầu ấn tượng sẽ giúp bạn dẫn dắt người nghe cuốn theo mạch câu chuyện của mình. Một lời mở đầu hay sẽ cho khán giả cảm giác hứng thú và mong muốn được tiếp tục nghe bạn nói. Vì thế, để có một buổi thuyết trình thành công, bước đầu tiên bạn cần phải chuẩn bị cho mình một lời mở đầu thật sự thu hút.